Menu

Luật Giao thông Việt Nam làm khó tài xế

SHARE THIS

Luật Giao thông Việt Nam làm khó tài xế

12/04/2018 Tin xe
Việc quy định không rõ nghĩa các cụm từ dùng trong văn bản luật khiến tài xế và CSGT không thống nhất cách hiểu.

106b là biển báo cấm cơ bản thường gặp trên đường, được giải thích trong Luật Giao thông đường bộ.

Biển này cũng được giải thích ở rất nhiều Nghị định, Thông tư và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nhưng đến nay, theo thắc mắc trên diễn đàn và các lời giải đáp vẫn nhận thấy mỗi người hiểu một khác, kể cả các thẩm phán, luật sư, thậm chí phải ra tòa, như câu chuyện tài xế Phan Đình Anh thua kiện ở Nghệ An. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

Nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ các văn bản pháp quy về giao thông đường bộ liên quan đến xử phạt vi phạm dùng từ ngữ không chuẩn mực và không thống nhất, đặc biệt là các từ khối lượng, trọng lượng, trọng tải và tải trọng. Do viện dẫn lẫn nhau nên có nhiều văn bản như vậy. Sau đây chỉ nêu hai ví dụ:

Nhiều người hiểu biển 106b như sau: Tên biển là “Cấm xe tải trên 2,5T” và giải thích là “cấm tất cả các loại ôtô chở hàng có trọng tải từ 2,5 tấn trở lên”. Nhưng văn bản này có nhiều mâu thuẫn về từ ngữ:

luat-giao-thong-viet-nam-lam-kho-tai-xe

Đã dùng từ “trọng tải” (nhưng hiểu sai nghĩa của nó như sẽ thấy dưới đây ngay trong cùng văn bản đó). Theo giải thích trên, xe có trọng tải bằng 2,5 t cũng bị cấm, trái với tên biển là trên 2,5 t. Ngoài ra, dùng ký hiệu T là trái với Luật Đo lường;

Sau đó, ở biển 115 viết “trọng tải (bao gồm cả xe và hàng hóa)” và ở biển 116 lại viết “trọng lượng toàn bộ (gồm cả xe và hàng hóa)”. Như vậy là đã hiểu sai về trọng tải và dùng từ không nhất quán.

Còn ở Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới nhất, Quy chuẩn 41 viết như sau: “Biển số P.106b: Để báo đường cấm các loại xe ôtô tải có khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lớn hơn một giá trị nhất định, phải đặt biển số P.106b. Biển có hiệu lực cấm các xe ôtô tải có khối lượng chuyên chở (xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lớn hơn giá trị chữ số ghi trong biển (chữ số tấn ghi bằng màu trắng trên hình vẽ xe). Biển có hiệu lực cấm đối với cả máy kéo và các xe máy chuyên dùng đi vào đoạn đường đặt biển”.

Quy chuẩn này đã dùng cụm từ “khối lượng chuyên chở” rất dễ nhầm lẫn với khối lượng chuyên chở khi xe đang lưu thông, mà khi giải thích biển 115 sau đó cũng dùng. Thực ra, khối lượng chở có thể thay đổi nặng nhẹ khác nhau tùy theo từng chuyến và cần phải kiểm tra Giấy vận tải mới có thể biết được. Mặc dù QC 41 đã giải thích, nhưng lời giải thích dài dòng đặt trong ngoặc đơn, khiến nhiều người trích dẫn bỏ qua. Ngoài ra, ảnh trên cho thấy, dùng dấu chấm làm dấu thập phân là trái với quy định về đo lường, trong khi ở những biển báo khác đã dùng đúng dấu phẩy.

Các luật sư, thẩm phán, cảnh sát giao thông và các trường đào tạo lái xe, tất nhiên, chỉ có thể viện dẫn văn bản pháp luật còn thiếu thống nhất như trên để giải thích, nên tình trạng hiểu mơ hồ càng thêm lan rộng. Muốn chấm dứt tình trạng đó, văn bản pháp luật cần được sửa đổi từ ngữ, sao cho có tính khoa học, ngắn gọn, chính xác và nhất quán.

Trước hết, Trọng tải là gì? Trọng tải là khối lượng lớn nhất mà xe có thể chở được (xem Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê của Viện Ngôn ngữ học (đã nhận giải thưởng KH và CN năm 2005). Đó là một thông số không đổi thuộc hồ sơ lý lịch của xe, được ghi trên cánh cửa xe và/hoặc trong Giấy Chứng nhận Kiểm định xe do Đăng kiểm cấp (viết tắt: GIấy CNKĐ).

Từ này cũng đã được dùng có truyền thống trong lĩnh vực đóng tàu và hàng hải cùng trong ngành Giao thông vận tải.

Trọng tải là do nhà thiết kế, chế tạo định ra từ đầu. Các bộ phận của xe được chế tạo phù hợp để chịu được trọng tải đã định đó. Nếu chở vượt trọng tải, xe sẽ mất an toàn như nổ lốp, gẫy nhíp hoặc khung gầm, đổ vỡ thùng xe, bị lật khi vào đường vòng, mất phanh hay mất lái do quán tính lớn. Như vậy, chưa liên quan gì đến cầu hay đường, xe vượt trọng tải không được lăn bánh trên bất cứ tuyến đường nào.

Đối với phương tiện chở hàng thì sức chở là trọng tải tính bằng kilôgam (kg) hay tấn (t); còn đối với phương tiện chở người thì sức chở là số người tối đa chở được, ví dụ như nói xe 7 chỗ, thang máy 800 kg (12 người)... Nó không phải là khối lượng chở thực tế trên phương tiện đang lưu thông, không bao gồm khối lượng bản thân phương tiện và cũng không phải là tổng hai khối lượng nói trên.

Đối với biển 106b, biển này cấm xe có trọng tải lớn hơn con số ghi trên biển. Như vậy, Cảnh sát giao thông chỉ nhìn bên ngoài xe hoặc xem Giấy CNKĐ là biết xe thuộc loại nào, trọng tải bao nhiêu; sau đó so sánh với con số trên biển 106b sẽ biết xe đó có vi phạm biển cấm này hay không, mà không cần phải cân xe hay làm một phép tính cộng nào cả.

Ví dụ: Loại xe tải Thaco Hyundai HD450 trọng tải 4,1 t (thường có ghi bên ngoài cánh cửa buồng lái và trong Giấy CNKĐ) nếu đi vào đường cắm biển 106b có ghi 4 t là vi phạm, vì 4,1 t > 4 t, không quan tâm đến khối lượng bản thân xe bao nhiêu và xe đang chở nặng thế nào; thậm chí xe chạy không cũng là vi phạm.

Trong khi đó, loại xe tải Hino XZU720 trọng tải 3,9 t đi vào đường này sẽ không vi phạm, vì 3,9 t < 4 t, dù khối lượng bản thân xe cả thùng là 3,4 t (tổng khối lượng lớn nhất cho phép là 3,4 + 3,9 = 7,3 t). Xe này chỉ vi phạm nếu đang chở vượt 3,9 t, nhưng lỗi vi phạm là vượt trọng tải (quá tải), không phải là vi phạm biển cấm 106b.

Lý do là ở mục đích của biển cấm. Trong khi các biển 115 và 116 giới hạn khối lượng toàn bộ và khối lượng trên trục xe, có mục đích bảo đảm an toàn cho các kết cấu cầu và đường thì biển 106b nhằm mục đích hoàn toàn khác: Có những đoạn tuyến đông chật hay ùn tắc, khó tránh nhau hay quay đầu, không có chỗ cho dừng đỗ hoặc vì những lý do dân sinh như bụi, tiếng ồn, có trường học, bệnh viện, vỉa hè hẹp... người ta phải cấm loại xe tải lớn hơn một mức nhất định đi vào.

Biển 106a cũng có mục đích như vậy, chỉ khác là với đoạn tuyến có yêu cầu nghiêm ngặt hơn, biển 106a cấm mọi xe tải, tức là xe có trọng tải từ 1500 kg trở lên.

Như vậy, trong các văn bản pháp luật, ở điều giải thích từ ngữ cần có thêm giải thích từ “trọng tải”. Khi đã hiểu trọng tải là gì thì cả đoạn dài dòng lặp đi lặp lại, dễ gây hiểu nhầm “khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) được thay bằng một từ “trọng tải”. Khi đó biển 106b sẽ trở nên ngắn gọn, chính xác và dễ hiểu như sau:

Biển 106b - Cấm xe tải có trọng tải vượt con số ghi trên biển. Biển có hiệu lực cấm đối với cả máy kéo và xe máy chuyên dùng.

PGS. TSPhan Văn Khôi

Tin liên quan

{{n.Title}}
{{n.Title}}
{{n.PostDate}}

ÔTÔ TMT CHI NHÁNH TP.HCM
Địa chỉ: 1454 QL1A, P. Thới An, Quận 12, HCM Xem bản đồ
Điện thoại: 0909 164 333

Copyright TMT - Thiết kế website bởi TPO GROUP